Nguồn ảnh: internet
Nộp hồ sơ trực tuyến thủ tục hành chính về đất đai, giao dịch bảo đảm ở một nơi duy nhất, tiện lợi, hiệu quả và hưởng các chính sách miễn giảm theo quy định.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực IV thông báo đến người sử dụng đất có quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất thuộc địa bàn phường Ô Môn (phường Châu Văn Liêm, phường Thới Hòa, phường Thới An, xã Thới Thạnh_huyện Thới Lai cũ), phường Phước Thới (phường Phước Thới, phường Trường Lạc), phường Thới Long (phường Thới Long, phường Long Hưng, phường Tân Hưng_quận Thốt Nốt cũ), có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp về đất đai, giao dịch bảo đảm ở bất cứ phường nào và được yêu cầu nhận kết quả phù hợp, thuận tiện thuộc 03 phường nêu trên.
Để nộp hồ sơ trực tuyến: Người sử dụng đất nhấn vào "Nộp hồ sơ trực tuyến", chọn "Dịch vụ công trực tuyến", lựa chọn thủ tục phù hợp và thực hiện.
Nguồn ảnh: cơ quan
Ngày 01 tháng 7 năm 2025, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 438/QĐ-UBND về việc tổ chức lại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện thành các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2025 của UBND thành phố Cần Thơ, về việc tổ chức lại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện thành các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực IV xin thông báo:
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn được đổi tên thành Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực IV, trụ sở đặt tại: số 60, đường Trần Hưng Đạo, khu vực 2, phường Ô Môn, thành phố Cần Thơ, email: vpdk.kviv@cantho.gov.vn
Việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC về đất đai, giao dịch bảo đảm được thực hiện tại các Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ô Môn, phường Phước Thới và phường Thới Long. Hồ sơ dịch vụ đo đạc được tiếp nhận và trả kết quả tại trụ sở Chi nhánh.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực IV xin thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân được biết và liên hệ công tác.
Nguồn ảnh: https://baochinhphu.vn/
1. Bổ sung rõ các trường hợp được xem là “lý do chính đáng khác” để thực hiện công chứng ngoài trụ sở
Nghị định 29/2015/NĐ-CP không liệt kê cụ thể các trường hợp được coi là lý do chính đáng khác theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014.
Tại Điều 43 Nghị định 104/2025/NĐ-CP, đã liệt kê rõ 4 nhóm trường hợp được coi là “lý do chính đáng khác”, bao gồm:
+ Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Người cao tuổi, người khuyết tật hoặc gặp khó khăn trong đi lại;
+ Người làm nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang, đang thi hành công vụ không thể rời khỏi vị trí;
+ Các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác.
Ngoài ra, việc công chứng ngoài trụ sở phải được thực hiện tại địa điểm có địa chỉ cụ thể, phù hợp với lý do nêu ra.
2. Bổ sung quy định về việc chụp ảnh công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản
Quy định cũ: Không có quy định về việc chụp ảnh tại thời điểm ký văn bản công chứng.
Quy định mới: Điều 46 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về việc chụp ảnh công chứng viên chứng kiến người ký/điểm chỉ văn bản công chứng. Ảnh chụp phải đáp ứng yêu cầu như:
+ Nhận diện rõ người ký và công chứng viên;
+ Ảnh không được chỉnh sửa, cắt ghép;
+ Có thể chụp riêng từng người hoặc chụp chung tùy trường hợp;
+ Ảnh là một thành phần của hồ sơ công chứng;
+ Có thể quay video nếu thấy cần thiết...
3. Bổ sung quy định về công chứng điện tử
Nghị định 29/2015/NĐ-CP không có quy định nào liên quan đến công chứng điện tử.
Từ Điều 47 đến Điều 54 của Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định đầy đủ về công chứng điện tử, bao gồm:
- Khái niệm và giá trị pháp lý: Văn bản công chứng điện tử là văn bản được lập trên môi trường điện tử, có chữ ký số của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, có giá trị tương đương văn bản công chứng giấy.
- Phạm vi áp dụng: Công chứng điện tử trực tiếp áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự. Công chứng điện tử trực tuyến không áp dụng cho di chúc và hành vi pháp lý đơn phương
- Điều kiện sử dụng dịch vụ: Người tham gia phải có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trở lên, chữ ký số hợp lệ, thiết bị phù hợp, và đăng ký trên nền tảng công chứng điện tử.
- Nền tảng công chứng điện tử: Là hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo tương tác video, nhận diện, lưu trữ, ký số, chia sẻ dữ liệu liên thông với cơ quan có thẩm quyền.
- Quy trình thực hiện: Người yêu cầu công chứng đọc/được đọc lại văn bản trên nền tảng điện tử, ký số trước sự chứng kiến của công chứng viên tại các điểm cầu, sau đó công chứng viên ký xác nhận và gắn dấu thời gian....
Trên đây là những điểm mới của Nghị định 104/2025/NĐ-CP so với Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
Nguồn: https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/nghi-dinh-104-2025-nd-cp-ve-cong-chung-9-diem-moi-noi-bat-570-102234-article.html
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, đến ngày 20 tháng 5 năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã tổng hợp, thống kê, công bố tổng số 6.358 TTHC (gồm: 5.801 TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; 557 TTHC được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của địa phương), có 4.377 TTHC (chiếm 68,8%) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; 8.977 điều kiện kinh doanh; 3.086 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; 886 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến thực hiện TTHC sản xuất, kinh doanh; 640 chế độ báo cáo của doanh nghiệp; tổng số chi phí tuân thủ TTHC hằng năm là hơn 120 nghìn tỷ đồng/năm; tổng thời gian giải quyết của 4.377 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê TTHC, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước ngày 10 tháng 6 năm 2025.
Cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC, 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025
2. Khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04 tháng 5 năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân và của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025.
Giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Minh bạch hoá, số hoá, tự động hoá, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là thành lập, giải thể doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm,...
3. Tiếp tục hoàn thành việc thực thi phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết của 307 TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025. 100% TTHC nội bộ được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, theo lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh
4. Bảo đảm 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
5. Giao các Đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC, thời gian giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương theo các mục tiêu, yêu cầu, chỉ đạo tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ và các nhiệm vụ tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (trong báo cáo cải cách TTHC) trước ngày 25 hằng tháng.
6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-yeu-cau-100-tthc-lien-quan-den-doanh-nghiep-duoc-thuc-hien-truc-tuyen-102250523001200589.htm
Căn cứ Thông báo số 41/TB-CT ngày 12 tháng 3 năm 2025 của Cục thuế, về việc Tạm dừng các hệ thống thuế điện tử phục vụ nâng cấp đáp ứng tái cơ cấu, sắp xếp các cơ quan Thuế.
Hiện nay, Đội thuế khu vực đang thực hiện sắp xếp, triển khai mô hình mới, tài khoản hệ thống quản lý Trước bạ - Nhà đất thuộc Đội Thuế khu vực đang tạm khóa nên việc tiếp nhận phiếu chuyển thuế điện tử và ban hành Thông báo thuế cũng như xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính không thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và trả kết quả theo quy định.
Thời gian nâng cấp và chuyển đổi từ 17h00 ngày 12/3/2025 đến 8h00 ngày 17/3/2025. Sau thời gian này, hệ thống thuế hoạt động bình thường.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn sẽ phối hợp chặt chẽ với Đội thuế khu vực để sớm giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn xin Thông báo nội dung nêu trên đến hộ gia đình, cá nhân được biết và rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẽ của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn thông tin nội dung nêu trên đến hộ gia đình, cá nhân có đất trên địa bàn quận Ô Môn được biết.
Triển khai thực hiện xử lý hồ sơ công việc 100% trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và tiến tới xử lý 100% hồ sơ công việc trên môi trường mạng trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn.
Ngày 12 tháng 3 năm 2025 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn tổ chức tập huấn cho Viên chức, người lao động phần mềm Hồ sơ công việc điện tử. Đến hướng dẫn tập huấn có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cùng toàn thể Lãnh đạo Chi nhánh và các tổ chuyên môn nghiệp vụ.
Buổi tập huấn diễn ra nghiêm túc, có chiều sâu, từng lãnh đạo chi nhánh, văn thư và viên chức lãnh đạo các tổ chuyên môn được hướng dẫn cụ thể trong việc lập Danh mục hồ sơ theo Quyết định đã ban hành, tạo nhóm hồ sơ công việc đến từng viên chức và đóng gói lưu trữ đúng theo quy định. Dưới đây là một số hình ảnh buổi tập huấn.
Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-UBND, Quyết định số 449/QĐ-UBND, Quyết định số 450/QĐ-UBND, Quyết định số 446/QĐ-UBND, Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2025 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Trần Phú Lộc Thành và Phó Giám đốc Sở đối với ông Phạm Nam Huân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Tấn Nhơn và ông Trần Thái Nghiêm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu chữ ký Lãnh đạo Sở đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài thành phố biết để tiện liên hệ công tác.
Ngày 09 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả
- Tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả.
- Tiếp tục công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; công bố đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và rà soát, đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022.
- Theo dõi, bám sát tình hình, chủ động có giải pháp, biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; không để thiếu hụt, đứt gãy trong mọi tình huống.
b) Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2025 - 2030; hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2025.
2. Giải quyết kịp thời, thực chất các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp
Các Bộ, cơ quan và địa phương theo, chức năng, nhiệm vụ được giao:
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc; chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng, tiêu cực để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
...
3. Triển khai đồng bộ các giải, pháp mạnh mẽ, đột phá để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao
...
- Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện, tạo động lực tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo đó, bí mật nhà nước độ Tối mật gồm:
1. Về tài nguyên nước:
a) Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến việc đàm phán thành lập, duy trì, phát triển các tổ chức lưu vực sông quốc tế có liên quan đến Việt Nam; đàm phán bảo vệ quyền lợi quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước sông quốc tế;
b) Tài liệu về mặt cắt, dòng chảy sông suối phục vụ cho việc hoạch định, cắm mốc biên giới trên sông, suối chưa công khai;
c) Kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên sông, suối, nguồn nước biên giới quốc phòng, an ninh chưa công khai.
2. Về môi trường:
a) Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, hoạt động khắc phục sự cố môi trường trên biển chưa công khai;
b) Phương án, nội dung đàm phán về hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam sau khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt.
3. Về khí tượng thủy văn:
a) Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công trình khí tượng thủy văn phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia;
b) Tài liệu địa hình (trắc đồ ngang, trắc đồ dọc, bình đồ đoạn sông) và tốc độ dòng chảy thực đo tại các trạm thủy văn vùng cửa sông trong phạm vi 30 km tính từ biển vào đối với các sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; 50 km tính từ biển vào đối với các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, sông Cửu Long; 15 km tính từ biển vào đối với các sông khác trên hệ thống sông phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
4. Về đo đạc và bản đồ:
a) Số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia hạng II trở lên hoàn chỉnh phủ kín diện tích một đơn vị hành chính cấp tỉnh;
b) Bản đồ kết quả điều tra, khảo sát về đường biên giới quốc gia phục vụ đàm phán hoạch định biên giới quốc gia chưa công khai.
5. Về đất đai:
Nghị quyết, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ và các số liệu, tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, năng lượng quốc gia chưa công khai.
6. Về biển và hải đảo:
a) Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đàm phán bảo vệ quyền lợi quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa công khai;
b) Số liệu, bản đồ, sơ đồ về trường sóng âm các vùng biển Việt Nam;
c) Bản đồ về địa hình, địa chất, tài nguyên và môi trường các quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm có tỷ lệ lớn hơn 1:10.000 phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, đối ngoại chưa công khai;
d) Tọa độ, trữ lượng và tài nguyên cấp 333 trở lên các mỏ khoáng sản biển sâu chưa công khai;
đ) Bản đồ Quy hoạch không gian biển quốc gia; bản đồ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa công khai.
Bí mật nhà nước độ Mật gồm:
1. Về môi trường:
a) Kết quả, phương án xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường xuyên biên giới; ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu, hóa chất độc và sự cố môi trường biển có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội chưa công khai;
b) Tài liệu, mẫu vật thu thập qua điều tra, số liệu tổng hợp tuyệt đối toàn quốc về hậu quả chiến tranh hóa học đối với con người và môi trường Việt Nam chưa công khai.
2. Về khí tượng thủy văn:
a) Kết quả điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, hải văn sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ mục đích, quốc phòng, an ninh đang xử lý chưa công khai;
b) Vị trí và trị số độ cao các mốc chính của trạm khí tượng thủy văn, hải văn và tài nguyên nước; số liệu độ cao và số không tuyệt đối của các mốc hải văn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
3. Về đo đạc và bản đồ:
a) Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia bao gồm số liệu gốc của hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia, độ sâu quốc gia;
b) Dữ liệu ảnh hàng không gồm phim, ảnh hàng không kỹ thuật số; dữ liệu đám mây điểm và sản phẩm quét phim, ảnh hàng không kèm theo số liệu xác định tọa độ tâm ảnh có số lượng tờ liên kết bằng diện tích lớn hơn 800 km2 ở thực địa;
c) Lớp dữ liệu địa hình của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1:100.000 có diện tích liên kết lớn hơn 200 km2 trên thực địa ở khu vực ngoài đô thị hoặc 400 km2 ở khu vực đô thị; mô hình số độ cao với độ chính xác đến 07 m có diện tích liên kết lớn hơn 200 km2 trên thực địa ở khu vực ngoài đô thị hoặc 400 km2 ở khu vực đô thị.
4. Về biển và hải đảo:
a) Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở vùng biển sâu, tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa công khai;
b) Tọa độ, trữ lượng và tài nguyên cấp 333 trở lên các mỏ khoáng sản kim loại quý hiếm, đá quý ở vùng biển nông chưa công khai;
c) Các số liệu, tài liệu thuộc hồ sơ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa công khai;
d) Tài liệu về cơ sở khoa học cho việc đặt tên các hải đảo chưa công khai;
đ) Kết quả, phương án khai thác, phương tiện nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa công khai.
5. Về địa chất và khoáng sản:
a) Các bản đồ và tài liệu nguyên thủy kèm theo của phương pháp trọng lực có chứa đồng thời các thông tin về giá trị đo trọng lực và vị trí điểm đo trọng lực;
b) Tài liệu nguyên thủy có chứa các thông tin về tọa độ, số lượng, chất lượng các loại khoáng sản thuộc đề án đánh giá tiềm năng khoáng sản chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Thông tin, dữ liệu, số liệu trong quá trình điều tra đánh giá; kết quả của đề án điều tra đánh giá, đề án thăm dò khoáng sản phóng xạ uran, thori, khoáng sản đất hiếm chưa công khai.
Căn cứ Quyết định số 2886/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Căn cứ Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định mức thu, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí.
Căn cứ Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 05 tháng 07 năm 2024 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn thông báo Danh mục Quy trình nội bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các khoản được miễn, giảm thu phí, lệ phí khi người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến cụ thể như sau:
1. Giảm thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND):
+ Giảm 20% mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân; 10% đối với tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công theo phương thức trực tuyến”.
2. Giảm 10% mức thu đối với các khoản phí (Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND) sau:
- Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
- Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.
3. Giảm 10% mức thu đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND).
Từ các căn cứ nêu trên, để thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, người sử dụng đất chọn thủ tục cần thực hiện và quét mã QR để truy cập chính xác thủ tục dịch vụ công trực tuyến và nộp hồ sơ. Đồng thời, được hưởng chính sách miễn, giảm phí, lệ phí đúng theo quy định.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ô Môn thông báo đến quý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế..., đồng thời có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất; cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Chỉ thị đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025, trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá cụ thể như sau:
Tiếp tục ưu tiên thời gian, nguồn lực để tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật
Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động xử lý, thực hiện ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức; thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới huy động mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển đất nước. Hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các điểm nghẽn, các khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với người dân, doanh nghiệp, gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao
Bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia sâu rộng, toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu , nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện.
Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành: bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics.
Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị và chính sách đặc biệt đối với cán bộ, công chức đạt thành tích xuất sắc trong công việc; đồng thời có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất; cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26, ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác truyền thông chính sách, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả.